Nhảy đến nội dung
x

Bộ môn Khoa học Máy tính

STT Họ tên Học hàm, Học vị Chức vụ
1 Lê Anh Cường Phó giáo sư, Tiến sĩ Trưởng bộ môn
2 Phạm Văn Huy Tiến Sĩ Trưởng Khoa
3 Trịnh Hùng Cường Tiến Sĩ Giảng viên
4 Nguyễn Chí Thiện Tiến sĩ Giảng viên
5 Keun Ho Ryu Giáo sư - Tiến sĩ Giảng viên nghiên cứu
6 Nguyễn Quốc Bình Thạc sĩ Giảng viên
7 Trần Lương Quốc Đại Tiến sĩ Giảng viên
8 Nguyễn Thành An Thạc sĩ Giảng viên
9 Nguyễn Thị Diễm Hằng Thạc sĩ Giảng viên
10 Lương Thị Ngọc Khánh Tiến Sĩ Giảng viên

Giới thiệu chung về Bộ môn

Bộ môn Khoa học Máy tính (KHMT) phụ trách chuyên môn trong nhiệm vụ đào tạo sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc ngành KHMT. Bên cạnh ngành KHMT hệ chuẩn, Khoa CNTT nói chung và bộ môn KHMT nói về khía cạnh chuyên môn còn có nhiệm vụ đào tạo ngành KHMT hệ chất lượng cao.

Song song với đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Bộ môn KHMT chú trọng phát triển nghiên cứu các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phân tích và khai phá tri thức từ dữ liệu.

Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, bộ môn KHMT đã và đang liên kết với các nhà khoa học tại các trường, viện có uy tín trong và ngoài nước để phát triển các nhóm nghiên cứu; liên kết với các công ty hàng đầu ở Việt nam cũng như quốc tế nhằm gắn kết giữa môi trường giáo dục và ứng dụng trong thực tiễn.

Mục tiêu phấn đầu của bộ môn KHMT là cùng với Khoa CNTT đào tạo nguồn nhân lực KHMT chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty hàng đầu tại Việt nam, cũng như đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Đồng thời xây dựng các nhóm nghiên cứu, đạt được nhiều kết quả khoa học ở đẳng cấp quốc tế.

Ngành Khoa học máy tính (Computer Science)

Khoa học máy tính là ngành ứng dụng kiến thức về thuật toán, phương pháp tính toán, ngôn ngữ lập trình, phương pháp phân tích và xây dựng hệ thống thông tin, … để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực Khoa học máy tính; phát triển các hệ thống phần mềm máy tính, mô hình tính toán thông minh, các ứng dụng trên các nền tảng hiện đại để phục vụ cho nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Khoa học máy tính có thể tự tin đảm nhận tốt các vị trí như chuyên viên thiết kế và xây dựng các phần mềm máy tính, ứng dụng cho thiết bị di động, ứng dụng thương mại điện tử trên nền Web, các trò chơi trên máy tính và di động; chuyên viên quản trị và xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống máy tính và hệ thống mạng máy tính; chuyên viên lập trình; chuyên viên phát triển hệ thống thông minh; chuyên viên tư vấn, thẩm định và phát triển các dự án, giải pháp công nghệ thông tin; cán bộ chuyên trách tại các cơ quan nhà nước, … hoặc có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu ở các bậc học cao hơn.

Chuyên ngành Hệ thống thông tin (Information Systems):

Ngày nay, hầu hết các tổ chức nói chung đều sử dụng các phần mềm phục vụ cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, ví dụ như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm chăm sóc khách hàng, phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, … Tùy thuộc vào quy mô của tổ chức, số loại phần mềm được sử dụng có thể khác nhau và phân tán về mặt địa lý. Tất cả các phần mềm được sử dụng trong một tổ chức và sự kết nối giữa chúng cấu thành hệ thống thông tin của tổ chức. Các hệ thống thông tin đang góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức.

Cử nhân KHMT chuyên ngành hệ thống thông tin là người có khả năng phân tích và thiết kế hệ thống thông tin cho tổ chức; triển khai/vận hành và nâng cấp hệ thống thông tin. Phân tích thiết kế hệ thống thông tin là phân tích nhu cầu của tổ chức, và từ đó đưa ra giải pháp phát triển hệ thống một cách phù hợp. Triển khai và vận hành là đưa hệ thống thông tin vào sử dụng, đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống, đảm bảo bảo mật dữ liệu. Sinh viên cũng được đào tạo các kiến thức về phân tích dữ liệu và khai phá tri thức từ dữ liệu.

Học chuyên ngành này sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng của khoa học máy tính, các kiến thức chuyên sâu về phân tích, thiết kế, triển khai, vận hành, phát triển và nâng cấp hệ thống thông tin. Hơn nữa, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức nghiệp vụ như kiến thức về tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, … nhằm hiểu đúng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc phát triển các hệ thống thông tin.

Chuyên ngành Tính toán thông minh:

Tính toán thông minh là một lĩnh vực thuộc trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống phần mềm có khả năng xử lý thông minh nhờ vào việc học từ kinh nghiệm và dữ liệu. Các hệ thống học máy có khả năng thu nhận tri thức, khả năng suy diễn, khả năng phát hiện tri thức mới. Học máy đã được phát triển và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như hệ thống nhận dạng tiếng nói, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng chữ viết, dịch tự động, tìm kiếm dữ liệu, phân tích tài chính, chẩn đoán y khoa, chơi trò chơi, xe tự hành, các loại rô-bốt. Với sự phát triển nhanh chóng và đạt nhiều thành quả trong hai thập niên qua, học máy hiện là hạt nhân của trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, đóng góp nhiều vào phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong nhiều ngành nghề: công nghệ tự động hóa, sản xuất thiết bị, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính, công nghệ giải trí, quản lý xã hội. Học máy đã và đang trở thành một lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của một xã hội hiện đại, đặc biệt trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4 (industry 4.0). Với xu hướng phát triển như vậy, cử nhân KHMT là một vị trí việc làm thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao trong thế kỉ 21.

Chuyên ngành Tính toán thông minh đào tạo cho sinh viên các kiến thức về toán học, thống kê học, lập trình và các mô hình học máy từ cơ bản đến nâng cao. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng ứng dụng các kĩ thuật học máy vào phát triển các phần mềm thông minh phục vụ hầu hết các lãnh vực sản xuất của xã hội, đáp ứng được ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng.